Lập trang trại nuôi lợn, nuôi gà, nuôi ngan Pháp trên rú cát, ông nông dân TT-Huế thu tiền tỷ
08:41 - 10/02/2023
Doanh thu bình quân mỗi năm 3 tỷ đồng, trang trại chăn nuôi lợn, nuôi gà, nuôi ngan...của ông Nguyễn Thuận, nông dân xã Quảng Vinh là điển hình sản xuất hiệu quả tại vùng rú cát huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Mô hình nuôi lợn an toàn của ông Thuận, nông dân xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.



Ông Nguyễn Thuận chia sẻ, cách đây hơn 15 năm, gia đình ông xin cấp 2ha đất trên vùng cát nội đồng để làm trang trại và được chính quyền địa phương chấp thuận. Đây là niềm vui lớn đối với gia đình ông lúc này. Có được đất nhưng lại thiếu vốn, kỹ thuật nên ban đầu chỉ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp.

Mãi đến mười năm sau, ông Thuận vay vốn đầu tư, trang trại mới tạm “nên hình” với chuồng nuôi lợn quy mô khép kín, chăn nuôi lợn, gà, một số ao nuôi cá. Tuy vậy, dịch bệnh gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra, giá cả thị trường bấp bênh khiến trang trại chăn nuôi của ông cũng nhiều phen lận đận. Có đợt dịch phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nuôi, thiệt hại hoàn toàn.Từ những thất bại, ông Thuận cho rằng, yếu tố kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh là rất quan trọng trong quá trình chăn nuôi lợn, gà.

Ông vừa mua sách tự học, tự tra cứu trên mạng internet, vừa tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do địa phương, các ban, ngành hỗ trợ, tổ chức. Từ chăn nuôi tự phát, ông Thuận từng bước tiếp thu, nắm bắt khoa học kỹ thuật tiên tiến, chăn nuôi một cách bài bản.

Từ 5-7 năm nay, hầu như dịch bệnh không còn xảy ra, một số dịch bệnh thông thường trên lợn, gà được xử lý kịp thời, không để lây lan gây thiệt hại nặng. Thành quả đó, một phần nhờ tiêm vắc-xin đầy đủ, thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh an toàn.

Đặc biệt ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, như lắp đặt hệ thống lạnh, máng ăn và máng uống tự động, làm hầm chứa và xử lý chất thải, hầm biogas đảm bảo chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn dịch bệnh.

Trong điều kiện giá vật tư, thức ăn tăng cao, ông Thuận trồng 8 sào rau, lúa để tạo nguồn thức ăn xanh, sạch cho lợn, gà, giảm chi phí đầu tư.

Ông Thuận cho rằng, nhờ chủ động sản xuất thức ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng nên lợn nuôi chóng lớn, ít dịch bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được thị trường ưa chuộng. Vào các thời điểm giá thức ăn tăng cao, nhiều trang trại gặp khó khăn, thậm chí ngừng sản xuất thì trang trại ông Thuận vẫn duy trì, ổn định sản xuất.

Từ năm 2016 đến nay, ông Thuận đầu tư thêm hơn 1 tỷ đồng xây dựng, mở rộng chuồng trại nuôi 40 con lợn nái và chủ động liên kết với Công ty CP Greenfeed tổ chức chăn nuôi lợn công nghệ cao.

Công ty này hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, cam kết thu mua sản phẩm với giá ổn định và sẽ bù lỗ nếu giá lợn hơi xuống dưới 33 ngàn đồng/kg. Nhờ liên kết sản xuất nên vào thời điểm giá lợn giảm, trang trại ông Thuận vẫn không bị lỗ.

Bình quân mỗi năm, trang trại ông Thuận nuôi từ 500 con lợn và hàng ngàn con gà; có thời điểm, mỗi năm nuôi hơn 30 ngàn con gà lai ri, 500 con ngan Pháp, trồng thêm keo tràm diện tích 1,5ha.

Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm, ông Thuận thu lãi khoảng 500-900 triệu đồng. Từ hoạt động chăn nuôi hiệu quả, trang trại ông giải quyết việc làm cho 10-12 lao động với thu nhập mỗi người 3-5 triệu đồng/tháng.

Ngoài sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ông Thuận còn giúp đỡ nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, vật tư và con giống; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, giúp nhiều hộ làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn